Teacher's Blog

Category
NHỮNG PHONG TỤC CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT CỦA NHẬT BẢN CÓ GÌ KHÁC LẠ SO VỚI TẾT VIỆT NAM
Văn hóa Nhật Bản

NHỮNG PHONG TỤC CHUẨN BỊ ĐÓN TẾT CỦA NHẬT BẢN CÓ GÌ KHÁC LẠ SO VỚI TẾT VIỆT NAM

2021/12/15

Không khí của những ngày cuối năm đang đến gần và có một sự kiện đặc biệt mà ai cũng ngóng chờ chính là ngày Tết. Vậy Nhật Bản đón Tết có gì khác biệt so với Tết Việt Nam? Hãy cùng Teachers khám phá nhé!

Tết Nhật Bản “Oshougatsu”.

Tết Nhật Bản được gọi là “Oshougatsu” bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama, vị thần tượng trưng cho sức khỏe, may mắn và phát đạt. Trước đây, người Nhật cũng đón tết âm lịch như Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm Minh Trị thứ 5 đã có bước thay đổi khi Nhật Bản bắt đầu sử dụng lịch Phương Tây, từ đó tết Nhật Bản được chuyển sang đón tết dương – ngày đầu tiên của tháng giêng dương lịch. Tết Nhật Bản được coi là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm, là một dịp để mọi người trong gia đình xa gần tụ họp, cùng nhau đón một năm mới bình an, hạnh phúc.

Hình ảnh: Chúc mừng năm mới ở Nhật Bản

Những hoạt động “chuẩn bị” đón Tết của Nhật Bản.

Tết Nhật Bản “Oshougatsu” diễn ra từ ngày 1/1 -3/1. Tuy nhiên, một vài ngày trước đó, chúng ta có thể cảm nhận được không khí của ngày Tết thông qua các hoạt động chuẩn bị của người dân Nhật Bản, vậy những phong tục chuẩn bị đón Tết của Nhật Bản có gì khác lạ so với Việt Nam

Ngày Hội tổng vệ sinh Osouji.

Ngày Hội tổng vệ sinh Osouji là điểm khá giống nhau giữa đặc trưng văn hóa Nhật Bản và Việt Nam. Những ngày này, người Nhật thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để đón Tết. Ở Nhật quan niệm rằng vào đầu năm mới vị thần Toshigami linh thiêng nhất trong Thần đạo Shinto sẽ ghé thăm nhà, mang theo sự may mắn và những lời cầu chúc, bảo hộ sức khỏe cho người dân. Vì thế nhà cửa phải sạch sẽ vào treo Shimenawa trước cửa để mời thần bước vào nhà.

Treo Shimenawa trước cửa nhà – trừ tà, xua đuổi tà ma, năng lượng xấu.

Vào dịp tết này, các gia đình Nhật Bản sẽ trang trí trước cửa nhà hoặc công ty những cây nêu hoặc cây Kadomatsu. Kadomatsu được trang trí như một lẵng hoa bằng 3 ống tre tươi và một vài cành cây thông. Người Nhật quan niệm tre là chiếc đón thần năm mới, còn thông mang lại sự may mắn trường thọ. Hai loại cây này khi kết hợp với nhau thể hiện mong muốn một năm mới an khang thịnh vượng nhiều sự may mắn và trường thọ. Ngoài ra, người Nhật còn treo bùa Shimekazari trong ngày Oshougatsu với ý nghĩa không cho ma quỷ vào nhà.

Tương truyền rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây tùng này. Ngày xưa người ta thường dựng cây tùng vào ngày 13/12 là ngày bắt đầu các công việc chuẩn bị đón Tết. Còn gần đây là ngày 27 hoặc 28 nhưng tránh không dựng cây tùng vào ngày 29 và đêm giao thừa. Trên khung cửa của không ít gia đình Nhật còn trang trí các vật phẩm như đồ đan bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng. Tùng tượng trưng cho trẻ mãi không già; quả quýt màu da cam tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng; thừng bện bằng cỏ được treo ở điện thờ hoặc nơi thờ cúng, kính dâng lên thần linh cầu tài lộc; lá cây màu trắng nói lên sự trinh bạch không tì vết; còn dải giấy trắng mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi 

Hình ảnh: Thừng bện bằng cỏ được kính dâng lên thần linh để cầu tài lộc

Viết thiệp chúc Tết – Nengajo.

Khi có dịp tìm hiểu về Nhật Bản, bạn sẽ bất ngờ với một trong những văn hóa truyền thống nhất viết thiệp chúc Tết – Nengajo. Những tấm thiệp xinh xắn được viết bằng tay, in hình những con giáp ngộ nghĩnh hay là những biểu tượng như núi Phú Sĩ, hoa Anh Đào. Thiệp chúc mừng cần được viết và gửi đi từ trước ngày 31/12 . Bên vận chuyển của bưu điện sẽ phân loại, sắp xếp, và chuyển phát tới người nhận vào đúng sáng ngày 1 Tết.

Khác với Việt Nam, việc viếng thăm nhà của người thân, bạn bè không phải là hoạt động phổ biến của người Nhật. Người Nhật quan niệm Oshougatsu là Tết sum vầy, đoàn viên nên Tết Nhật Bản hầu như chỉ khép kín trong gia đình, chính vì vậy họ sẽ gửi thiệp chúc Tết đến những người thân, bạn bè. Ngoài ra ở Nhật không có truyền thống đốt pháo ngày Tết nên không khí năm mới tương đối yên bình.

Viếng Đền thờ hoặc Chùa – Hatsumode 

Hatsumode – chuyến thăm đền thờ đầu tiên của năm mới – là một trong những hoạt động chào đón tết ở Nhật Bản truyền thống nổi tiếng. Vào dịp này, thần điện ở mọi nơi không kể lớn nhỏ đều tấp nập người đến viếng. Một số những địa điểm nổi tiếng như Asakusa, Đền thờ Meiji jingu hay ở Kyoto sẽ khó mà có thể di chuyển được bởi lượng người đổ về đây cực kì nhộn nhịp. Mọi người đến các đền, chùa để cầu mong hạnh phúc, may mắn trong năm mới. Ngoài ra, họ còn nô nức rút các quẻ xăm Omikuji để tiên đoán những sự kiện đặc biệt xuất hiện trong năm mới.

Hình ảnh: Người Nhật đến các đền, chùa để cầu mong hạnh phúc, may mắn trong năm mới.

Thờ cúng tổ tiên và các vị thần.

Cũng như ở Việt Nam, năm mới là dịp kính nhớ ông bà, tổ tiên, và các vị thần. Họ đặt các loại bánh dầy, bánh Tokonoma lên bàn thờ, nhằm tỏ lòng thành kính, và mong được các thần linh phù hộ. Bản chất việc thờ cúng tổ tiên là nhắn nhủ niềm tin người sống cũng như người chết đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo tiền nhân, tổ tiên thì che chở, dẫn dắt hậu thế. Đây là một lễ vô cùng quan trọng, để tưởng nhớ. thể hiện lòng thành kính, đạo hiếu với người đã khuất.

Những hoạt đông chuẩn bị cho Tết truyền thống Nhật Bản thật thú vị phải không? Nếu có cơ hội đến Nhật, ban hãy tham gia và trải nghiệm những giây phút đón năm mới tại đây nhé. Chắc chắn sẽ là trải nghiệm thú vị dành cho các bạn.

Ngoài những hoạt động chuẩn bị trước tết, bạn có tò mò về những hoạt động, lễ hội trong ngày Tết của người Nhật không?Theo dõi Blog Teachers để  khám phá thêm các hoạt động, lễ hội sẽ diễn ra ngày Tết và các món ăn truyền thống  của người dân ở xứ sở  Mặt Trời Mọc nhé!

Tổng hợp: Mai Tuyết

Nguồn ảnh: Pinterset