Teacher's Blog

Category
LỄ THẤT TỊCH – TANABATA
Văn hóa Nhật Bản

LỄ THẤT TỊCH – TANABATA

2021/07/08

Xin chào mọi người! Tuần này mời các bạn hãy cùng Teachers tìm hiểu về
Lễ hội Tanabata hay còn gọi là Lễ “Thất Tịch” (đêm mồng 7), một lễ trong những lễ hội mùa hè diễn ra trong tháng 7 này nhé!

Tanabata 七夕– Thất Tịch (7/7 dương lịch) còn được biết đến với tên gọi khác là Hoshi matsuri- 星祭り Lễ hội sao. Ngày Thất Tịch được cho là du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ thời Nara và trở nên phổ biến vào thời Edo.

Ngoài ra Lễ Thất Tịch còn có mặt ở các quốc gia Châu Á khác như Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan… Ở Nhật Bản Tanabata gắn liền câu chuyện tình yêu của Orihime và Hikoboshi. Orihime là con gái của Ngọc Hoàng, vốn giỏi dệt cửi và khéo thêu thùa. Nàng đem lòng yêu chàng chăn bò Hikoboshi sống bên kia ngân hà nên được cha tác thành. Tuy nhiên, sau khi cưới nhau thì hai người lại mải mê vui chơi, bê trễ công việc. Điều này khiến Ngọc Hoàng nổi giận ban lệnh tách hai vợ chồng qua hai bờ ngân hà và cấm họ gặp nhau. Orihime trở nên tuyệt vọng vì mất chồng và yêu cầu cha cô cho họ gặp lại nhau. Vì cảm động trước những giọt nước mắt của con gái mình Ngọc Hoàng cho phép hai người gặp nhau vào ngày thứ 7 tháng 7 nếu cả hai làm việc chăm chỉ và hoàn thành việc dệt vải. Tương truyền rằng mưa trong tháng 7 cũng chính là những giọt nước của nàng Orihime đấy các bạn.

Ngày nay, lễ hội Tanabata được tổ chức ở nhiều nơi trên khắp nước Nhật, trong đó có 3 thành phố tổ chức Tanabata lớn nhất là Sendai (tỉnh Miyagi – ngày 7/8), Hiratsuka (tỉnh Kanagawa) và Ichinomiya (tỉnh Aichi).

Nói đến lễ hội Tanabata chắc là chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh những mảnh giấy Tanzaku đầy màu sắc với 5 màu chủ đạo là  xanh, đỏ, đen/tím, vàng, trắng, trên các mảnh Tanzaku được người ta viết lên ý nguyện của mình và treo trên các cành tre.

Và một trong những biểu tượng đáng nhớ của Tanabata có thể nói là những cột giấy Fukinagashi (吹き流し) với năm màu sắc sặc sỡ được ví như những sợi do nàng Orihime dệt, để cầu cho ngành dệt may phát triển.

Ngoài ra người ta còn trang trí các loại origami như Orizuru, Amikazari, Kinchaku, Kuzukago, Kamiko với ý nghĩa:

Hạc giấy Orizuru : Cầu mong bình an cho gia đình và trường thọ

Amikazari: Tượng trưng cho lưới bắt cá với mong muốn một mùa màng bội thu.

Kamiko: được gấp origami hình áo Kimono hoặc búp bê để cầu cho việc may vá được tiến bộ và thay mình chịu bệnh tật, tai họa.

Ví tiền Kinchaku: Cầu cho tài vận và tiết kiệm.

Thùng đựng giấy vụn Kuzukago : mang ý  nghĩa là sạch sẽ và tiết kiệm

Vào ngày này người Nhật thường ăn Somen. Còn người Việt ta thường ăn chè đậu đỏ để cầu tình duyên. Ở Việt Nam câu chuyện về Ngưu Lang, Chức Nữ tương tự như cầu chuyện của Hikoboshi và Orihime vẫn còn, nhưng đáng tiếc là ngày lễ Thất Tịch dường như lại đang dần bị lãng quên.

 

Đừng quên theo dõi Teachers để đón xem các bài viết mới bạn nhé!