Teacher's Blog

Category
5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 2)
Học Tiếng Nhật

5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 2)

2021/05/12

Xin chào các bạn, tuần này Teachers xin giới thiệu tiếp các nguyên tắc giúp bạn ngừng quên khi học tiếng Nhật hay một ngoại ngữ nào đó. Mọi người cùng xem với Teachers nhé!

5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 2)

Nguyên tắc 2: Tối đa hóa sự lười biếng
Khi học ngoại ngữ nếu chúng ta chăm chỉ học theo kiểu “tụng niệm” lặp đi lặp lại cho đến khi nhớ thì sẽ rất mất thời gian và cũng chỉ có thể giúp ta nhớ được lúc đó, nhưng sau một vài tuần, vài tháng thì điều đã học dường như “không cánh mà bay”, cách này có vẻ như không hiệu quả để “nhớ lâu” và “nhớ sâu”. Vậy thì tại sao chúng ta không thử tìm một cách học khác để có thể “lười” hơn hay nói cách khác là “hiệu quả hơn” bằng cách kết hợp các nguyên tắc được nêu ở đây.
Nguyên tắc 3: Đừng xem lại! Hãy tập nhớ lại!
Khi học bằng cách xem đi xem lại nhiều lần, bạn đang tập đọc, chứ không phải tập nhớ. Người ta đã làm một thí nghiệm: cho một số sinh viên hoặc là đọc một đoạn văn hai lần, hoặc là đọc nó một lần rồi viết xuống những gì họ còn nhớ. Sau đó, cho họ làm một làm bài kiểm tra sau 5 phút và một tuần sau đó. Kết quả là những người đọc đoạn văn một lần, rồi nhớ lại và viết ra giấy sau một tuần nhớ được nhiều hơn đến 35%. Cho nên nếu muốn ghi nhớ tốt hơn, bạn nên tập nhớ lại.

Nguyên tắc 4: Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!
“Những gì khó nhớ, cũng sẽ khó quên” – Arnold Schwarzenegger
Theo nghiên cứu thì những từ vựng bạn khó khăn lắm mới nhớ ra được sẽ khắc sâu trong ý thức của bạn. 75% khả năng là bạn sẽ nhớ ra chúng trong tương lai. Khi muốn nhớ ra một từ, não bộ của chúng ta sẽ điên cuồng lao vào tìm kiếm, rồi ta sẽ thở phào nhẹ nhõm sau khi tìm được từ của mình. Và từ đó sẽ hằn sâu trong trí nhớ ta hơn. Nếu có thể liên tục kiểm tra ký ức của mình trước khi kịp quên đi, sẽ tăng gấp đôi hiệu quả ghi nhớ.

Nguyên tắc 5: Tái tạo ký ức
Ký ức chính là một mạng lưới các kết nối: Các nơ-ron riêng biệt được kích hoạt cùng với nhau, kết nối lại với nhau. Khi nhớ lại, chúng ta không chỉ truy cập vào các ký ức mà còn tái tạo chúng. Mỗi lần nhớ lại chúng ta đã gắn thêm vào ký ức cũ một phần hiện tại. Phần gắn thêm này mang lại cho ký ức những kết nối mới: hình ảnh mới, cảm xúc mới, âm thanh mới và từ liên quan đến nó, khiến ký ức này càng thêm dễ nhớ. Một khi tái tạo những ký ức nhiều lần, chúng sẽ vĩnh viễn không bị lãng quên.
Trường hợp khi rơi vào bế tắc mặc dù đã cố nhưng vẫn không thể nào nhớ ra thì sao? Ví dụ như: chúng ta gặp từ “ネコ” nhưng mãi mà không thể nhớ nổi nó là gì, thì ta sẽ xem lại mặt sau của flash card, hay tra google ta thấy hình ảnh một con mèo. Lúc này ta vừa cho bản thân một phản hồi tức khắc để kịp thời kéo lại ký ức.

Còn bây giờ chúng ta cùng thử kết hợp 5 nguyên tắc trên để ghi nhớ tốt hơn bạn nhé: 1.Liên kết điều đã học với với cá nhân, tác động lên các giác quan các nhiều càng tốt (Làm cho ký ức đáng nhớ hơn); 2.Thôi tụng niệm một cách nhàm chán (Tối đa hóa sự lười biếng); 3.Luyện tập nhớ lại càng nhiều càng tốt (Đừng xem lại, hãy nhớ lại); 4.Đối với những thứ khó nhớ khi cố gắng nhớ được bạn sẽ càng nhớ lâu hơn (Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!); 5.Và khi thực sự đã lỡ quên thì kịp thời tái tạo ký ức (Tái tạo ký ức).

Hãy theo dõi để xem các bài viết mới của Teachers bạn nhé!