Teacher's Blog

Category
5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 1)
Học Tiếng Nhật

5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 1)

2021/04/22

Xin chào các bạn, khi học tiếng Nhật hay một ngoại ngữ nào đó, có bao giờ bạn gặp phải tình trạng có thể dễ dàng ghi nhớ được các từ vựng hay mẫu câu vừa học nhưng không lâu sau đó, chúng cũng “dễ dàng ra đi” không để lại dấu vết trong ký ức bạn? Chắc là sẽ có nhiều bạn đọc của Teacher gật đầu đồng tình đây. Gần đây mình đang áp dụng “5 nguyên tắc để ngừng quên khi học ngoại ngữ” được nhắc đến trong sách “Cách học ngoại ngữ nhanh và không bao giờ quên” – tác giả Gabriel Wyner. Bản thân mình thấy những phương pháp này rất hữu ích nên muốn chia sẽ cùng mọi người, hy vọng bài viết sẽ phần nào giúp cho các bạn đọc chưa tìm được cách học ngoại ngữ thích hợp sẽ học ngoại nhanh hơn, nhớ lâu, và tiết kiệm được nhiều thời gian hơn nhé!

 

 

5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ (Phần 1)

 

5 NGUYÊN TẮC ĐỂ NGỪNG QUÊN KHI HỌC NGOẠI NGỮ:

Nguyên tắc 1: Làm cho ký ức trở nên đáng nhớ hơn

Nguyên tắc 2: Tối đa hóa sự lười biếng

Nguyên tắc 3: Đừng xem lại! Hãy tập nhớ lại!

Nguyên tắc 4: Khoan đã! Khoan đã! Đừng nói cho tôi biết vội!

Nguyên tắc 5: Tái tạo ký ức

Khi kết hợp 5 nguyên tắc này với nhau sẽ giúp ta ghi nhớ sâu hơn, nhiều hơn và nhanh hơn.

Bây giờ chúng ta sẽ làm quen với nguyên tắc 1 : “Làm cho ký ức trở nên đáng nhớ hơn”

Não bộ của chúng ta có một bộ lọc rất tinh vi, những thông tin hời hợt sẽ dễ dàng bị cho vào nhóm “dễ quên” ngược lại những thông tin có ý nghĩa sẽ trở nên đáng nhớ. Một thông tin sẽ trở nên quan trọng hơn khi nó được kết nối với một thông tin khác. Ví dụ như khi bạn nghe một từ tiếng Nhật mà bạn hoàn toàn không biết gì về nó trước đó thì những từ này được cho là xa lạ, gần như vô nghĩa, không liên quan gì đến bạn và nó sẽ bị não đưa vào nhóm “dễ quên”.  Do đó khi học ngoại ngữ để “vượt qua” được bộ lọc này ta cần:

+ Học hệ thống phát âm của ngoại ngữ đó

+ Liên kết từ âm đó với hình ảnh (khuyến khích sử dụng flash card)

+ Liên kết hình ảnh đó với ký ức cá nhân/ kết nối cá nhân

Ví dụ khi mình học từ “猫 – neko”, mình sẽ đọc lên “neko” (phát âm),  nhìn vào flash card mình thấy hình ảnh một chú mèo/hoặc tra từ này trên google mình thấy hiện ra hình con mèo (hình ảnh), mình nhớ đến con mèo lông trắng ở nhà mà mình vô cùng yêu thích được bố tặng lúc nhỏ / hay con mèo đáng ghét ở nhà hàng xóm hôm trước vừa cào nát tay mình (kết nối với cá nhân). Với cách này mình nhớ được từ này lâu hơn và nhanh hơn là khi gặp từ “neko” mình lại gắn ngay với nghĩa tiếng Việt của nó là “con mèo” rồi lặp đi lặp lại trong đầu “neko – con mèo, neko – con mèo, neko – con mèo,…”

 

Mình sẽ giới thiệu các nguyên tắc còn lại ở bài viết tiếp theo. Bạn nhớ theo dõi Teachers để xem các bài viết mới nhé!